Lịch làm việc trong những ngày cách ly xã hội của một gia đình điển hình:
Chồng: Ăn sáng - nghe vợ chửi - làm việc - nghe vợ chửi - ăn trưa - nghe vợ chửi - chơi game - nghe vợ chửi.
Vợ: Ăn sáng - chửi chồng - dọn nhà - làm việc - chửi chồng - ăn trưa - chửi chồng - chơi với con - chửi chồng...
Hẳn bạn đã thấy nội dung rất viral này đâu đó trên Facebook trong thời gian đầu của những ngày cách ly xã hội. Nghe thì có vẻ khá hài hước nhưng nó cũng phản ánh một nỗi niềm của bất kì cặp vợ chồng nào trong mùa dịch: xa thơm gần thối. Khi phải đụng mặt nhau gần như 24/7 thì cả hai người đều không tránh khỏi cảm giác có chút tù túng, khó chịu rồi nảy sinh cáu gắt, bực tức.
Những lời càm ràm tại sao anh không tắm, tại sao em không rửa ly cà phê khi uống xong... đôi khi có thể biến thành cả một cơn thịnh nộ. Tại Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn đã tăng đột biến do các cặp vợ chồng ở nhà với nhau quá nhiều trong đợt dịch Covid-19 cơ mà!
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng hiểu và học được cách ở bên nhau nhiều hơn. Với nhiều người, đây cũng là dịp hiếm hoi mà họ không bù đầu bù cổ trong công việc để có thể thảnh thơi ăn sáng cùng chồng hay cùng vợ vào bếp làm một chiếc bánh thơm ngon.
Cùng xem các cặp vợ chồng đình đám đã học cách cùng nhau đi qua mùa dịch thế nào nhé!
1. Giang Ơi và chồng Trị Nguyễn
Hầu hết mọi người nghĩ rằng hôn nhân là nấc thang cao nhất của mối quan hệ rồi, nếu tính gộp cả việc có con vào một phần của hôn nhân. Thế mà chúng ta đã nhầm! Hoá ra ở nhà cùng nhau 24/7 lại là một "nấc thang" mới, một thử thách đẩy cam kết ấy đến cao độ! Nói rằng nó là thử thách cao hơn cả thử thách hôn nhân nói chung, là vì một cặp đôi nếu đã có thể ở cùng nhau 24/7 trong một thời gian dài thì có lẽ chắc chắn họ sẽ cùng nhau vượt qua được hôn nhân.
Vợ chồng Giang Ơi - Trị Nguyễn
Anh bạn thân và mình là một trong những cặp đôi “dính như sam” từ ngày mới yêu đến giờ. Tụi mình đã quen làm mọi thứ cùng nhau và có lẽ phiên dịch điều đó đã giúp cả hai cảm thấy khá thoải mái khi ở nhà cùng nhau cả ngày trong những ngày cách ly xã hội. Chỉ cần chồng tắm cho thơm và đừng mặc áo hôi đi vòng vòng là được.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý khi cả hai cùng làm việc ở nhà. Dù nhà lớn hay nhà nhỏ, điều kiện sống thế nào, thì bằng mọi giá đừng ngồi làm việc trong cùng một phòng! Nếu cả hai vợ chồng chỉ có một chiếc phòng trọ bé xíu và không có cách gì có thể tách phòng, hãy ngồi quay lưng vào nhau mà làm việc. Ngồi làm việc mà nhìn nhau, trêu nhau thì hết ngày cũng không xong việc!
2. Ly Sún và chồng Việt Dũng
Dù yêu nhau mấy năm rồi kết hôn nhưng chưa bao giờ vợ chồng mình ở cạnh nhau 24/7 trong suốt nhiều ngày liền như vậy. Những ngày đầu khá vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc khi vợ chồng quấn quýt chả khác gì lúc mới yêu. Nhưng tất nhiên dần dần phát sinh rất nhiều vấn đề, đơn giản nhất là hôm nay ăn gì, không nghĩ được thì lại cáu nhau.
Chồng mình thì rất ngăn nắp, nhìn thấy mình để áo khoác sai thôi cũng vừa dọn vừa càu nhàu. Những câu chuyện nhỏ nhặt hết sức đời thường của các gia đình thôi, nhưng bình thường đi làm thì quên, bây giờ ở nhà cả ngày đi ra đi vào lại nhìn thấy mặt nhau, chưa hết bực mình chuyện này đã sang đến chuyện tiếp theo.
Ly Sún và chồng
Sau khi ở nhà nhiều và gặp các vấn đề liên tục, bọn mình cùng nhau phân chia lại thời gian, sẽ có thời gian sinh hoạt chung như ăn sáng, tập thể dục, ăn trưa, chơi với em bé, ăn tối, chơi với em bé, cho bé ngủ. Còn lại sẽ là những khoảng thời gian riêng của hai người như làm việc, chơi game, lướt net... Vì vậy một ngày trôi qua cũng thoải mái và vui vẻ hơn, hai vợ chồng cũng được chia sẻ công việc nhà với nhau nhiều hơn.
3. Thanh Trần và chồng Khánh Đặng
Nói thật là từ lúc cưới chồng tới giờ là hai đứa bên nhau 24/7 suốt gần 3 năm nay luôn rồi. Nhưng mà khoảng thời gian này là luôn phải ở nhà nên đụng mặt n hiều quá, vì vậy ngày nào cũng gây lộn. Lí do thì cũng "lãng nhách" như là quăng quần áo lung tung, chơi game đến 3h sáng chưa chịu ngủ, và để vợ nhắc quá nhiều về vấn đề rửa tay.
Ở nhà tránh dịch nhận ra một điều là hãy tránh cà khịa nhau để sau dịch không phải tránh nhau mãi mãi. Đùa thôi *Cười lớn*. Bí quyết để chung sống hoà bình trong mùa dịch là hãy cho nhau không gian riêng, phân chia công việc rõ ràng để làm hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể kiếm việc để làm chung như xem phim chẳng hạn. Lúc xem phim là cái miệng mình tự nhiên bớt càu nhàu càm ràm. Miệng bớt càm ràm là bớt gây lộn.
4. Mỹ Linh và chồng Huy Cung
Đối với những cặp vợ chồng khác thì mình không biết, nhưng vợ chồng mình thì từ khi yêu nhau đã dính với nhau như sam rồi, nghĩa là cả hai vợ chồng luôn bù trợ công việc nhau, những lúc mình đi làm thẩm mỹ sẽ có chồng túc trực chở đi - đón về. Ngược lại, những lúc chồng đi diễn thì mình sẽ đóng vai trò là makeup, trợ lý để chăm sóc cho chồng. Thế nên đối với mình, dù có dịch hay không có dịch thì hai vợ chồng đã luôn kè kè cạnh nhau.
Điều đã nhận ra trong đợt ở nhà là tiền điện tăng vọt vì chồng mình rất chăm chơi game. Chỉ mong muốn nhanh chóng hết dịch để anh ấy có thể quay lại với công việc và làm ra những sản phẩm chất lượng để gửi tới khán giả thôi. Còn nói về yêu thì bây giờ mình đã bớt yêu chồng một tí rồi. Bởi vì từ ngày có con trai, chồng mình rớt xuống hạng 2 rồi nhé!
5. Trung Anh (1977 Vlogs) và vợ Nguyễn Thị Cúc
Mình thấy ổn khi ở nhà gần như 24/7 với vợ trong mùa dịch. Mỗi người làm một việc riêng của mình, chán thì quay ra cãi nhau hoặc tranh luận chuyện gì đó. Vậy là hết chán ngay.
Trong mọi việc, mình mang tinh thần thoải mái nên vợ cũng vui vẻ, 2 đứa không gây áp lực gì cho nhau khi làm việc ở nhà cả.
Mình cứ yêu vợ thật nhiều thì vợ cũng yêu mình đắm say.
Nếu lỡ có cãi nhau, m ình thường giải thích cho vợ hiểu ai đúng ai sai. Mình sai mình nhận, vợ sai mình từ từ giải thích. Nói chung là mọi thứ luôn êm đẹp nếu mình làm vậy. Nhưng đương nhiên là có đi kèm hình phạt, mình sai mình sẽ rửa bát 1 tháng còn vợ sai thì thôi.
Trung Anh và vợ
6. Hạt Mít và chồng Duy Nguyễn
Trước đây một ngày có khi vợ chồng mình đi làm 8-10 tiếng nên khi về gặp con và cùng nhau ăn tối thì đó là khoảng thời gian yên bình nhất trong ngày. Nhưng khi bắt đầu ở nhà 24/7, thật sự khoảng 3,4 ngày đầu, cả hai vợ chồng đều hơi bị “hoảng”. Cả hai có thời gian để ý đối phương nhiều hơn, đặc biệt là mình hay “nhắc nhở” những việc lặt vặt trong nhà nên hai vợ chồng cũng hay cãi nhau linh tinh.
Gia đình Hạt Mít
Khi xảy ra tranh cãi mỗi người lại vào một phòng riêng trong khoảng 30 phút. Sau khi qua cơn tức giận thì một trong hai sẽ làm lành trước, thường chồng sẽ nhường mình hơn. Và phần lớn tranh cãi khi ở nhà đều là các vấn đề rất nhỏ nhặt không đáng phải nhắc lại, nên vợ chồng mình sẽ bỏ qua luôn và chắc chắn không lặp lại lý do cãi nhau đấy nữa.
Việc ở nhà nhiều sẽ khiến cho ai cũng bức bí, nên rất cần sự nhường nhịn và suy nghĩ thoáng hơn.
7. Nhật Anh Trắng và vợ Trang Đinh
Đặc thù công việc của 2 vợ chồng mình đều làm việc tại nhà, từ trước bọn mình cũng dành phần lớn thời gian ở bên nhau nên cũng không quá khác biệt. Chỉ khác là trước cùng nhau đi chơi nhiều hơn, giờ chỉ cùng nhau ở nhà thôi.
Những lúc có bất đồng quan điểm hai vợ chồng mình thường... tranh luận đến cùng!
Không phải để hơn thua ai đúng ai sai, (vì rất có thể cả hai cùng đúng hoặc cùng sai) mà để được nói hết những bức xúc ra không bị dồn nén trong lòng, lần sau đỡ mất công cãi nhau lại lần nữa.
Mỗi lần như thế xong là thôi, cả nhà lại sinh hoạt bình thường.
Nhật Anh Trắng và vợ
Cũng như nhiều người khác cũng đang ở nhà tránh dịch, vợ chồng mình nhận ra nhiều món ăn trước cứ tưởng cao siêu nhưng khi buộc-phải-tự-nấu thì hoá ra cũng khá đơn giản mà vẫn ngon. Không những không bớt yêu nhau trong mùa dịch mà cả hai vợ chồng cùng cảm thấy “yêu bếp” và “nghiện nhà” hơn!
Tạm kết : Mùa dịch không ai mong muốn rồi cũng sẽ qua đi và chúng ta rồi sẽ quay về với nhịp sống bận rộn, hối hả. Lúc đó, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã "thoát" cảnh ở nhà với vợ/chồng 24/7 hay thấy mình bỗng hiểu hơn và đã học cách chung sống tốt hơn với "bạn cùng nhà" của mình. Hi vọng đến lúc đó, cả hai đều sẽ thấy vui vì đã có thể đồng hành cùng nhau qua "cơn bão" Covid-19 này.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.
Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.
Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét